HOME | SEARCH | LOG IN | SIGN UP
Trung tâm Đào tạo Tư vấn Các hoạt động Truyền thông Y tế Bảng tin
Thông báo
Báo chí
Lịch hoạt động
Album
Thư Giám đốc Trung tâm
Trang web liên quan
- Sơ-un
- Kyơng-ki
- In-chơn
- Quang-chu
- Đe-ku
- Bu-san
- Kang-uôn
- Kyơng-sang-nam
- Kyơng-sang-buc
- Chơn-la-buc
- Chơn-la-nam
- Chung-chơng-nam
- Chung-chơng-buc
- Chê-chu
 Home > Bảng tin > Báo chí  > Người Hàn Quốc ở Việt Nam - Bài 2: Trăm nghề mưu sinh

    Người Hàn Quốc ở Việt Nam - Bài 2: Trăm nghề mưu sinh
    Admin     2009/08/18 5:56 pm
 

 

 

 

Ngoài những doanh nhân kinh doanh rất thành đạt với ngành may mặc, giày da, điện tử, thời trang... nhiều người Hàn Quốc đến VN cũng phải vất vả với đủ thứ nghề để mưu sinh...

Làm “cò”... đủ thứ

Qua giới thiệu của Kim Sang Il, chúng tôi có dịp làm quen được với ông Kim Soo D. rất “cừ” trong cái khoản mua bán bất động sản. Sáng ngày 5.8, ông D. rủ chúng tôi đi Long Thành xem lô đất mặt tiền gần 2.000m2 mà trước đây ông cầm cố người quen với giá 35.000 USD, nay họ muốn chuyển nhượng nên xuống xem có vướng quy hoạch hay không. Sau khi dò dẫm, hỏi thăm biết khu đất nằm trong khu vực dân cư, ông D. tỏ vẻ rất hồ hởi. Vừa bước xuống xe ô tô, có người đến hỏi mua lại với giá 700 triệu đồng. Khác với người môi giới trong nước hay “cò kè bớt một thêm hai”, ông D. gần như phớt lờ lời đề nghị, dù nhẩm tính thấy có lời. “Nếu mình đồng ý ngay, đối phương biết mình đang cần tiền nên dễ ép giá. Cứ để vài hôm nữa xem sao”, ông D. giải thích. 

Từ Long Thành, chúng tôi cùng ông D. qua trung tâm Nhơn Trạch để thăm dò mua đất. Thấy chúng tôi có vẻ lo lắng khi pháp luật VN chưa cho phép người nước ngoài đứng tên “sổ đỏ”, ông D. tỏ ra không quan tâm: “Chỉ cần giá cả hợp lý, còn tên thì nhờ người khác đứng, lo gì”. Đến một quán nước ven đường, thấy có người đi xe ô tô sang trọng đến, nhiều “cò” khác chạy lại vây quanh giới thiệu những khu đất đang chào bán. Mỗi khu vực, ông D. đều cầm xem giấy tờ, hỏi giá cả qua loa rồi chê đắt bỏ đi. Theo Kim Sang Il, nhìn ông D. ít ai biết đó là một “cò” đất nổi tiếng ở khu vực Super Bowl.

Tại khu vực Phú Mỹ Hưng cũng có nhiều trung tâm môi giới mọc lên để giới thiệu nhà đất cho người Hàn Quốc. Công việc môi giới nhà đất cũng được quảng cáo nhan nhản trên tạp chí Sài Gòn quảng cáo. Từ một mẩu quảng cáo, chúng tôi liên lạc với anh Kim Sơn Kieu để được dẫn đi xem một căn hộ cho thuê ở khu vực  Phú Mỹ  Hưng. “Đã hành nghề môi giới khoảng 5 năm nay, chủ yếu cho người Hàn Quốc đến thuê để ở, người đến hỏi mua rất ít vì pháp luật VN còn hạn chế việc mua nhà đối với người nước ngoài”, anh này nói.

Ngoài ra, tại TP.HCM hiện cũng có khoảng 20 trung tâm gia sư (kể cả không phép) dạy tiếng Việt hoặc tiếng Anh cho người Hàn Quốc. Khác với VN (chỉ thu tiền 1 lần sau khi giới thiệu), “cò” gia sư Hàn Quốc thu lợi rất nhiều lần. Mỗi học sinh, trung tâm thu khoảng 10 USD/giờ, nhưng chỉ trả cho giáo viên khoảng 70.000 - 80.000 đồng. Anh Joseph Kim dạy tiếng Anh cho cộng đồng người Hàn tại Phú Mỹ Hưng cho biết, ngoài công việc hướng dẫn viên du lịch, rảnh rỗi cũng hay tranh thủ đến trung tâm gia sư kiếm “mối” dạy  thêm, tăng thu nhập .

Nghề gì cũng làm

Trên đường Trường Chinh (P.13, Q.Tân Bình) có một cửa hàng mua bán đồ cũ do ông Lee Myung Sung làm chủ. Bên ngoài được trang trí bởi hai ngôn ngữ Hàn - Việt “Mua bán bàn ghế, tủ lạnh, tivi, máy tính”. Còn bên trong được bố trí như một siêu thị mini chứa nhiều tủ lạnh, máy nước nóng, bàn ghế làm việc, tủ áo quần... Tất cả đều là đồ cũ được ông Lee mua về cho chỉnh sửa, sơn lại, và đánh bóng để bán. Khách hàng đến mua là người Hàn, lẫn người Việt rất đông. Ông Lee cùng vợ là người VN trực tiếp trông coi cửa hàng.

Ông Lee đến VN sinh sống khoảng 6 năm nay. Ban đầu ông chỉ thuê mặt bằng trên đường Cộng Hòa bỏ mối nước tinh khiết và thu mua đồ dùng, máy móc cũ của những công ty và nhà riêng của người Hàn Quốc đem về tân trang, bán lại. Từ đồng vốn ít ỏi ban đầu chỉ có 3.000 USD, nhưng ông Lee chịu khó làm ăn, giờ đây ông trở nên khá giả, sành sỏi trong ngành mua bán đồ cũ. Ông cưới một phụ nữ VN làm vợ, mua đất xây nhà, khuếch trương cửa hàng. “Gần đây, do khủng hoảng kinh tế, nhiều gia đình và công ty Hàn Quốc bị phá sản, nên bán lại toàn bộ đồ dùng và thanh lý hàng tồn đọng để trở về nước nên việc thu mua máy móc, bàn ghế của cửa hàng chúng tôi càng bận rộn”, ông Lee vừa tiếp khách đến mua hàng vừa nói chuyện với chúng tôi.

Chia tay với  ông Lee, chúng tôi tìm về xã Tân Phú Trung, Củ Chi, đến nhà của anh Cheong Yo Yeang. Anh Choeng mời khách bằng đĩa khoai lang luộc, nải chuối hái trong vườn... hết sức mộc mạc như người nông dân VN. Anh Choeng cho biết, đến VN đầu năm 2000 và qua sự giới thiệu của một vị mục sư, anh kết hôn với chị Hương rồi đưa nhau về đây sinh sống. “Lúc đầu, hai vợ chồng cung cấp mặt hàng gỗ cho một đối tác ở Hàn Quốc, khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, đối tác không lấy hàng nữa nên vợ chồng chúng tôi đang thất nghiệp. Rảnh rỗi, tôi ở nhà phụ vợ đưa con đi học, chăm sóc đàn gà, trồng cây rau, cây ớt, bón phân vào mấy dàn mướp... xem như tập thể dục”, anh Cheong cười. Chị Hương cũng khen anh Choeng hiền lành, không rượu chè, thuốc lá. Vừa cho đàn gà ăn chiều, anh Choeng thổ lộ: “Đối với tôi, cưới được vợ có cuộc sống như thế này là quá hạnh phúc, không có tham vọng gì nữa cho bản thân”. 

Năm 1996, ông Yi Chang Huei, hội viên taekwondo thế giới đến VN du lịch. Khi đi ngang qua Nhà văn hóa Phú Nhuận (TP.HCM) thấy các võ sinh đang tập võ thuật, ông Huei nảy ra ý tưởng mới và sau đó đã quyết định cùng với vài người bạn quay lại TP.HCM. Để có tiền, ông Huei tìm đến các công ty Hàn Quốc đóng trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM... nhận huấn luyện võ thuật cho đội ngũ bảo vệ. Đến nay, ông đã lấy vợ VN, về sống tại khu K300, cùng với những người bạn xin phép mở “lò” dạy võ ở trên nhiều tỉnh thành như Phú Yên, TP.HCM...

Gặp những người Hàn Quốc mưu sinh tại VN, dù bất cứ ở hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng rất ít khi nghe họ than thở về những khó khăn hiện tại. (Còn tiếp)

Hoàng Tuấn - Đại Nhật

(Thanhnienonline)

view list 

Jump to:  


KMcenter 137-1 Garibong 1 Dong, Guro-Gu, Seoul. TEL:02-6900-8002 FAX : 02-6900-800141 E-mail : info@migrantok.org
Copyright by 2004 MigrantWorkers Center in Korea. All right, reserved. Representative : Son Jong Ha
Supported by ONTOIN